Site banner
Thứ năm, 15. Tháng 5 2025 - 1:25

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã An Ngãi Tây (Ba Tri) xây dựng mô hình hố thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực bảo vệ đồng ruộng và môi trường nông thôn.

Hố thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp ở ấp Giồng Trôm.

à xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với 610ha đất sản xuất lúa 3 vụ trong năm, trong đó ấp Giồng Trôm có 50ha. Trong sản xuất, bà con nông dân sử dụng nhiều loại phân, thuốc hóa học; sau khi sử dụng xong thì vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, kể cả dưới lòng kênh. Điều này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với đất, nguồn nước sản xuất vì đây là loại rác thải rất độc hại, khó phân hủy hoặc không thể tự phân hủy.

Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2017, Hội Nông dân xã thí điểm thực hiện mô hình xây dựng hố thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp ở ấp Giồng Trôm. Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân và mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng 8 hố bằng bê-tông đặt tại đồng ruộng với số tiền 4 triệu đồng. Các hố được xây dựng đều có thể tích 1m3. Sau khi sử dụng phân, thuốc phun, bón cho cây lúa, nông dân mang bao, vỏ đến bỏ vào các hố để xử lý. Bên cạnh đó, Hội còn tuyên truyền công tác khắc phục ô nhiễm môi trường cho nông dân để hiểu biết và tích cực tham gia. Từ đó, nông dân ý thức và tích cực thực hiện việc thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp để xử lý. Anh Trần Văn Hùng, nông dân tham gia mô hình cho biết: “Trước đây sau khi sử dụng xong, vỏ chai lọ, bao bì phân, thuốc bảo vệ thực vật có khi tôi mang về nhà, có lúc vứt đâu đó, cả xuống dòng kênh. Còn bây giờ, có hố thu gom, xử lý rác thải, thấy rất tiện lợi vì sau khi sử dụng xong, tôi bỏ vào đây để xử lý”.

Nhờ thực hiện mô hình mà tình hình vệ sinh môi trường trên cánh đồng của ấp đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm sạch đẹp, nhận thức về việc thu gom vỏ chai, rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen của bà con nông dân trong ấp. Mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Chững - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi Tây cho biết: “Mô hình hố thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp ở ấp Giồng Trôm đã mang lại hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này cho các ấp còn lại trên địa bàn, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững”.

Nguồn: Báo Đồng Khởi